Đánh giá Quốc_gia_Việt_Nam

Tính pháp lý của việc thành lập Quốc gia Việt Nam

Theo một phân tích pháp lý thì Hiệp định Élysée (bản Hiệp định thành lập Quốc gia Việt Nam) là một văn bản bất hợp pháp, bởi cả hai bên tham gia ký kết đều không có đủ tư cách pháp lý vì những lý do sau[3]:

  • Chính phủ Pháp không còn tư cách pháp lý quốc tế ở Việt Nam sau khi vua Bảo Đại ra Tuyên cáo tháng 3-1945, theo đó xóa bỏ những hiệp ước mà nhà Nguyễn đã ký với Pháp.
  • Bảo Đại cũng không còn tư cách pháp lý đại diện cho nước Việt Nam, bởi ông đã thoái vị ngày 25-8-1945 và chỉ còn là một công dân bình thường. Một công dân thì không có quyền đại diện cho quốc gia để ký kết Hiệp định với nước ngoài (chỉ có nguyên thủ quốc gia hoặc Quốc hội mới có quyền này).
  • Chính phủ đại diện cho nước Việt Nam khi đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi văn bản do công dân Việt Nam ký với bất kỳ chính phủ nào mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đều là vô giá trị.

Lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ sự tồn tại của Quốc gia Việt Nam ngay từ khi Quốc gia Việt Nam mới thành lập năm 1949. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo chưa bao giờ thừa nhận tính chính danh và hợp pháp của nó. Họ cho rằng đó không phải là ý nguyện của người dân Việt Nam muốn được độc lập hoàn toàn, thay vì vẫn duy trì một quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem Quốc gia Việt Nam chỉ là Chính phủ bù nhìn, là chiêu bài để Pháp thi hành chính sách "Da vàng hóa chiến tranh", dùng "Độc lập giả hiệu" để mê hoặc người Việt trong khi Pháp vẫn ngầm đứng sau khống chế[69][70].

Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp đã tự nguyện từ bỏ quyền đại diện trên trường quốc tế ngay từ khi Pháp trao quyền kiểm soát Việt Nam cho Phát xít Nhật vào năm 1945. Bảo Đại (tên thật là Vĩnh Thụy) cũng không có tư cách pháp lý đại diện cho quốc gia sau khi thoái vị ngày 25-8-1945 và trở thành một công dân bình thường. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu lên bởi cuộc tổng tuyển cử tháng 1 năm 1946 nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người đại diện chính danh duy nhất của toàn bộ nhân dân Việt Nam ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Chính phủ Quốc gia Việt Nam không đủ cơ sở pháp lý và thực tế để trở thành người đại diện cho nhân dân Việt Nam. Do cả Chính phủ Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam không phải là người đại diện chính danh của nhân dân Việt Nam nên bất kỳ văn kiện pháp lý liên quan tới nhân dân Việt Nam và đất nước Việt Nam được ký bởi Chính phủ Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam đều vô giá trị[3]

Cũng theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 95% lãnh thổ Việt Nam thực tế vẫn ở dưới quyền của họ nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới là chính phủ chính danh, là người đại diện hợp pháp cho nhân dân Việt Nam.

Thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc Vĩnh Thụy tự ý thỏa hiệp với Pháp: "Ông Vĩnh Thụy đã trịnh trọng thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Chính phủ. Nếu ông ấy cam tâm buôn dân bán nước, thì ông ấy sẽ bị tội phản quốc như những kẻ phản quốc khác... Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy (cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại cũng như các thành viên trong nội các Quốc gia Việt Nam với Chính phủ Pháp)... Giữa một tư nhân với Chính phủ (các chính phủ hợp hiến trên thế giới) cả nước bầu lên, thì có gì là sửa đổi mối quan hệ?. Vĩnh Thụy trở về với 10.000 viễn binh Pháp, để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước, đó là sự thực. Âm mưu của thực dân Pháp là đặt lại chế độ nô lệ ở Việt Nam. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân. Quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh tan tất cả âm mưu của thực dân, quyết kháng chiến để tranh cho kỳ được độc lập và thống nhất thật sự.[71] Chúng tôi không cần gì đến bọn bù nhìn và phản quốc.[72]"

Khi trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo (Trung Hoa Dân Quốc) ngày 3/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi về hiệp định Elysée như sau:

"Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập." [73][74]

Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định: "Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm tay sai cho đế quốc Mỹ... Quân đội “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại là để bảo vệ nền thống trị của người Pháp ở Đông Dương. Viên tướng tư lệnh Phạm Văn Phú, kẻ đã bại trận thảm hại tại chiến trường Tây Nguyên năm 1975, cũng từng là lính Việt chiến đấu hăng hái bên các chiến hữu Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Tại Điện Biên, ông Phạm Văn Phú khi đó si mê hát Quốc ca Pháp, hô hào các binh sĩ ngụy khác đánh trả quân Việt Minh của tướng Võ Nguyên Giáp".[75]

Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng tuyển cử năm 1946 là việc khẳng định tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như quyền tự quyết dân tộc của nhân dân Việt Nam. Từ đó cho thấy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người được nhân dân Việt Nam chính thức và hợp pháp trao cho tư cách là người đại diện chính danh duy nhất cho nhân dân Việt Nam và là lực lượng duy nhất có quyền bảo vệ nhân dân Việt Nam[76].

Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (2007) thì:

"Ngụy quyền là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ xâm lược, nô dịch cho họ. Ở Việt Nam, chính quyền Bảo Đại (Quốc gia Việt Nam) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) đều là ngụy quyền (do Pháp và Mỹ dựng lên)" [77].

Hoa Kỳ

Nhà nước Quốc gia Việt Nam hình thành thông qua đàm phán nên nó là sản phẩm dàn xếp giữa Pháp và một số chính trị gia Việt Nam không ủng hộ Chính phủ kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tài liệu của Lầu Năm Góc đánh giá chế độ Bảo Đại không có tính đại chúng cũng không hiệu quả còn quân đội của nó, phụ thuộc vào sự chỉ huy của sĩ quan Pháp, thiếu sức mạnh[78].

Nhà sử học Stephen G. Hyslop tổng kết: những quốc gia được trao trả độc lập hòa bình chủ yếu là thuộc địa của AnhHà Lan, những quốc gia đi theo chủ nghĩa thực dân định cư vốn không còn tha thiết duy trì thuộc địa vì thu được ít lợi tức, trong khi đó người Pháp thì ngược lại. Họ là nước đi theo chủ nghĩa thực dân bóc lột và không muốn mất đi lợi tức từ thuộc địa, nên đã cố gắng tái chiếm thuộc địa tới cùng cho tới lúc bị đánh bại mới thôi (như ở Việt Nam và Algérie)[79].

Theo nhà sử học Archimedes L.A Patti: Nước Pháp chưa bao giờ tỏ ra một chút gì muốn "giải thoát" cho thuộc địa cũ của nó. Ngày 2/5/1945, tại Hội nghị San Francisco, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G. Bidault tuyên bố chỉ có Pháp mới có quyền quyết định tương lai Đông Dương, rằng quyền ủy trị có thể áp dụng trên các thuộc địa khác chứ không thể áp dụng cho Đông Dương[80].

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại và Bollaert ký kết Hiệp định tại Vịnh Hạ Long trong đó Pháp tuyên bố "trịnh trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam", nhưng đặc biệt Pháp chỉ giữ lại quyền kiểm soát công tác đối ngoại và quân đội, việc chuyển giao các chức năng khác của chính phủ sẽ được giải quyết ở các cuộc thương lượng sau. Thực tế Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho quyền hành gì. Việt Minh chỉ trích Bảo Đại là xấu xa, tội lỗi vì đã lấy lại từ người Pháp chữ "độc lập" thần kỳ mà Hồ Chí Minh đã cố gắng giành giật ở Fontainebleu không được. Đến ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée, trong đó các bộ phận chủ chốt trong chính phủ vẫn do Pháp nắm giữ và cơ cấu thuộc địa cũ vẫn còn nguyên vẹn. Bảo Đại đã ký Hiệp định Elysée để nhằm một khi nắm chính quyền, ông có thể chơi ván bài quốc tế theo kiểu của ông. Ông đã đặt lòng tin vào sự ủng hộ của Mỹ mà ông hy vọng sẽ kiềm chế được Pháp và cung cấp cho Việt Nam viện trợ kinh tế cần thiết. L.A Patti nhận xét Bảo Đại vừa là một nhà chính trị vừa là một người dân tộc chủ nghĩa[81].

Tháng 10/1951, nghị sĩ John F. Kennedy - về sau trở thành Tổng thống Mỹ - đã đến Việt Nam để khảo sát. Lúc đó, Mỹ đang tài trợ một cách hào phóng cho chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương, nhưng Kennedy tự hỏi: tại sao viện trợ Mỹ vẫn không thể giúp Pháp chiến thắng? Ông nêu lên một câu hỏi khiến tướng De Lattre, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương phải tức giận: “Tại sao ông có thể trông mong người Việt Nam (Quốc gia Việt Nam) chiến đấu (chống lại Việt Minh) để duy trì nước họ như một bộ phận của Pháp?". Về lại Mỹ, Kennedy phát biểu ngày 15-11-1951 trên đài phát thanh[82]:

“Các xứ Đông Dương là những chính phủ bù nhìn, những lãnh địa của các ông hoàng (chỉ cựu hoàng Bảo Đại và các quốc vương Lào và Campuchia) thuộc Pháp với tài nguyên to lớn nhưng là những ví dụ điển hình của đế quốc và thực dân mà người ta có thể thấy bất kỳ nơi đâu… Ở Đông Dương, chúng ta [Mỹ] đang liên kết với nỗ lực tuyệt vọng của một đế chế Pháp muốn bám lấy những mảnh còn lại của đế quốc. Kết quả là (chúng ta) không có sự ủng hộ sâu rộng của nhân dân Việt Nam đối với chính phủ bản xứ (tức chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại)”.

Công việc đặt ra trước mắt Bảo Đại khi thành lập chính phủ đầy những khó khăn: sự ngoan cố của Pháp, sự thờ ơ của quần chúng và sự chống đối về chính trị. Người Pháp trì hoãn một cách có tính toán việc thi hành thoả hiệp Élysée. Quân đội của họ vẫn ở lại Việt Nam, nhân viên hành chính tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của Pháp[35].

Pháp

Kỳ thực Pháp coi giải pháp Bảo Đại chỉ là do tình thế thúc ép, họ không tin tưởng và tôn trọng chính phủ này.

Năm 1949, Tổng Tham mưu trưởng lục quân Pháp, Đại tướng Revers sau chuyến khảo sát tình hình Đông Dương đã có bản tường trình mật trong đó viết: "Vấn đề điều đình với Việt Nam thì tìm những người quốc gia chống cộng để điều đình. Giải pháp Bảo đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm, nhưng chế độ Bảo Đại là một chế độ ung thối với sự tham nhũng, buôn lậu đồng bạc, buôn lậu giấy phép nhập cảng, những khu chứa cờ bạc đĩ điếm..." (Trung tâm du hí Đại thế Giới ở Chợ Lớn được chính phủ Bảo Đại cho phép công khai sòng bạc và chứa mại dâm để kiếm chác). Bản tường trình sau đó bị lộ khiến chính phủ Pháp "muối mặt", và Revers bị cho về hưu non sau khi ra khai trình tại Hội đồng tối cao quân lực. Bản thân Bảo Đại cũng nhận xét rằng: "Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp." [10]

Trên thực tế, Hiệp ước Elysée quy định về quân sự: "Trong thời chiến, toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưởng phụ tá."

Hơn nữa, chính Pháp trước đó cũng đã ký với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bản Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946Tạm ước Việt - Pháp, với những hứa hẹn tương tự sẽ công nhận Việt Nam là "nước tự do" thuộc Liên hiệp Pháp. Nhưng sau đó hai bên tiếp tục có những xung đột quân sự tại Hải Phòng và Hà Nội. Khi Pháp gửi tối hậu thư đòi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị chiến tranh, tước vũ khí của Tự vệ Hà Nội và trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh tại Hà Nội, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối nhượng bộ. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến[83].

Người Pháp nhận thức rằng sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa trên phạm vi thế giới là một xu hướng thực tế nhưng với tư cách một cường quốc, người Pháp tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh, nhằm tìm cho nước Pháp "một lối thoát danh dự" ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Những người Pháp ủng hộ cuộc chiến cho rằng nếu Pháp để mất Đông Dương, sở hữu của Pháp tại hải ngoại sẽ nhanh chóng bị mất theo[84]. Chính vì thế Pháp cố kéo dài cuộc chiến cho đến năm 1954, cho tới khi bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh bại ở trận Điện Biên Phủ.

Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết:

"Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên" [34].

Đối với hệ thống thuộc địa của Pháp, Hiến pháp Pháp năm 1946 quy định Liên hiệp Pháp bao gồm Pháp, các lãnh thổ hải ngoại của Pháp và những nhà nước liên quan (Điều 60). Tình trạng của từng quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp phụ thuộc vào các điều ước quốc gia này ký kết với Pháp quy định mối quan hệ với Pháp (Điều 61)[85]. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ và việc ba nước Đông Dương giành độc lập hoàn toàn, tại các thuộc địa khác của Pháp như Algérie, Cameroon, MarocTunisia, các lực lượng chính trị cũng tổ chức nổi dậy đòi độc lập theo gương người Việt Nam, việc duy trì Liên hiệp Pháp trở nên rất khó khăn. Năm 1958, Cộng đồng Pháp khai sinh và Liên hiệp Pháp chấm dứt tồn tại. Điều 86 Hiến pháp Pháp (năm 1958) quy định mỗi quốc gia hội viên thuộc Cộng đồng Pháp có thể độc lập sau khi ký kết các hiệp ước với Pháp và có quyền lựa chọn vẫn là hội viên của Cộng đồng Pháp hoặc ra khỏi khối[86]. Trong thập niên 60, các nước thuộc Cộng đồng Pháp như Algérie,TunisiaMaroc lần lượt ký kết hiệp ước với Pháp để tuyên bố độc lập. Đến năm 1967, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho phần lớn các thuộc địa của mình. Cũng trong xu thế phi thực dân hóa trên quy mô toàn cầu, chỉ trong năm 1960, 17 nước thuộc địa châu Phi tuyên bố độc lập.

Việt Nam Cộng hòa

Sách giáo khoa Lịch sử lớp nhất của Việt Nam Cộng hòa được xuất bản năm 1966 nhận định rằng chính phủ Bảo Đại chỉ là một mánh khóe lừa gạt của Pháp[87]:

Vì quyền lợi của Pháp và Việt Nam chống đối nhau nên cuối năm 1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Quân Pháp lần hồi chiếm đóng các thành thị. Người Việt yêu nước rút ra bưng biền tổ chức trường kỳ kháng chiến.

Năm 1949, Pháp rước Bảo Đại từ Trung Hoa về lập chính phủ, mong lôi kéo người Quốc gia. Nhưng mánh khóe của Pháp không lừa gạt được chiến sĩ Việt Nam. Cuộc kháng chiến ngày càng mãnh liệt và đến tháng 5-1954, quân Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ, phải kêu gọi hòa bình. Việt Minh lúc này lại đứng ra cùng Pháp ký Hiệp định Genève (20-7-1954) chia đôi đất nước: từ sông Bến Hải ra Bắc thuộc Việt Minh, từ sông Bến Hải vào Nam thuộc chánh phủ Quốc gia.

Tuy nhiên, sách không ghi về việc chính phủ Bảo Đại chính là tiền thân của Việt Nam Cộng hòa, không ghi về việc chính Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ mà chỉ ghi chung chung là "chiến sĩ Việt Nam". Sách cũng bóp méo nội dung Hiệp định Genève là "chia đôi đất nước" (thực ra Hiệp định Genève chỉ chia Việt Nam thành 2 vùng tập kết quân sự tạm thời, sau đó chính Việt Nam Cộng hòa từ chối thi hành hiệp định nên mới dẫn tới hoàn cảnh Việt Nam bị chia đôi).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_gia_Việt_Nam http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/r... http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tong_tuy... http://www.danchimviet.com/archives/9788 http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=131612 http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-67554/ http://www.vietbao.com/print.asp?nid=67463 http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/1653/165301... http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-cons... http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-cons...